Người giàu nhất thế giới Bernard Arnault sở hữu đế chế hàng xa xỉ LVMH, có cuộc sống kín tiếng và yêu nghệ thuật.
Hôm 13/12, ông chủ tập đoàn LVMH Bernard Arnault - người sở hữu khối tài sản 170,8 tỷ USD - vượt qua Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên một tỷ phú Pháp đạt khối tài sản lớn nhất hành tinh trong bảng xếp hạng của Bloomberg Billionaires Index. Arnault trở thành người thứ năm từng đứng vị trí số một trong bảng xếp hạng của Bloomberg kể từ khi ra mắt năm 2012. Những người khác từng đạt vị trí này gồm: Carlos Slim, Bill Gates, Jeff Bezos và Elon Musk.
Tỷ phú 73 tuổi từ lâu luôn nằm trong top người giàu nhất nhưng không giống như Musk và các tỷ phú khác, ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng, không hoạt động cá nhân trên mạng xã hội. Đế chế LVMH xa hoa với 75 nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu như Louis Vuitton, Dom Perignon, Christian Dior, Tiffany & Co... nhưng Arnault lại sống kín tiếng ở Pháp - đất nước mà việc phô trương sự giàu có sang chảnh bị coi thường.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault. Ảnh: Bloomberg
Bernard Arnault sinh ở Roubaix, miền Bắc nước Pháp năm 1949. Ông tốt nghiệp trường kỹ thuật Polytechnique (Pháp). Sau khi ra trường, ông làm việc tại doanh nghiệp gia đình Ferret Savinel, tập trung vào mảng xây dựng công nghiệp. Arnault chuyển đến Mỹ năm 1981, nơi ông mạo hiểm trong lĩnh vực phát triển bất động sản.
Arnault trở lại Pháp và lấn sân lĩnh vực hàng xa xỉ năm 1984, khi tiếp quản Boussac Saint-Freres - tập đoàn dệt may phá sản sở hữu Christian Dior. Arnault đã tách hầu hết hoạt động kinh doanh của Boussac Saint-Freres và tập trung phát triển thương hiệu Christian Dior. Ông mua cổ phần kiểm soát của LVMH - tập đoàn có hai công ty thời trang chính là Louis Vuitton và Moet Hennessy được sáp nhập năm 1987.
Trong ba thập kỷ, Arnault biến LVMH thành gã khổng lồ hàng xa xỉ bán từ rượu, hàng thời trang, túi xách, phụ kiện, đồng hồ, trang sức, khách sạn lưu trú, nước hoa và mỹ phẩm thông qua hơn 5.500 cửa hàng trên toàn thế giới. Tỷ phú cũng nhanh chóng nắm bắt được Trung Quốc sẽ trở thành một thị trường trọng điểm và mở cửa hàng Louis Vuitton đầu tiên ở Bắc Kinh năm 1992.
LVMH nổi tiếng là nơi đào tạo những nhà thiết kế đầy tham vọng tìm cách tạo dựng tên tuổi cho mình như: Marc Jacobs và Virgil Abloh tại Louis Vuitton, Raf Simons tại Christian Dior, Phoebe Philo tại Celine. Tất cả họ đều để lại cho các thương hiệu di sản mới lạ, khiến chúng phù hợp với người tiêu dùng trẻ tuổi.
LVMH đạt doanh thu 64 tỷ euro (68 tỷ USD) năm ngoái, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ so với năm đại dịch 2020. Arnault và gia đình sở hữu khoảng 48% cổ phần trong LVMH, với 64% quyền biểu quyết. Đầu năm nay, LVMH - tập đoàn hiện có giá trị lớn nhất châu Âu với vốn hóa 365,7 tỷ euro - dỡ bỏ giới hạn độ tuổi của giám đốc điều hành. Điều này cho phép Arnault nắm quyền lãnh đạo đến năm 80 tuổi, một dấu hiệu cho thấy ông dự định nắm quyền lâu hơn, trước khi trao lại cho 5 con.
Tỷ phú Bernard Arnault cùng vợ (áo vàng) và 5 người con. Ảnh: AFP
Thị trường đi xuống cũng đã lấy đi một phần tài sản của Arnault năm nay - giảm khoảng 7,2 tỷ USD - nhưng ông vẫn bảo toàn sự giàu có tốt hơn các tỷ phú công nghệ thống trị danh sách người giàu thế giới. Đó là nhờ nhu cầu với hàng xa xỉ vẫn ổn định khi cuộc khủng hoảng Covid-19 lắng xuống.
Dù thành công thâu tóm hầu hết thương hiệu nổi tiếng, LVMH và Arnault cũng có những khoản thua lỗ nổi tiếng. Arnault từng cho rằng đối thủ Francois Pinault - ông chủ đế chế thời trang lớn thứ hai thế giới Kering - đánh giá cao khi mua Gucci và bỏ lỡ thương vụ này. Sau khi về tay Kering, Gucci ăn nên làm ra và trở thành một trong những thương hiệu mang lại doanh thu lớn của tập đoàn này. Arnault cũng thất bại trong nỗ lực thâu tóm Hermes International, nhà sản xuất túi Birkin nổi tiếng nhất thế giới.
Arnault đang xây dựng một triều đại của riêng mình tại LVMH. Ông có 5 con từ hai cuộc hôn nhân, tất cả đều đang làm việc tại LVMH. Con trai cả Antoine vừa được bổ nhiệm làm giám đốc tại Christian Dior SE. Con gái cả Delphine nằm trong hội đồng quản trị cao cấp của LVMH; con trai thứ hai Alexandre làm giám đốc tại Tiffany & Co.; con trai thứ ba Frederic là CEO Tag Heuer; cậu út Jean làm CEO thương hiệu đồng hồ Louis Vuitton.
Tỷ phú Arnault được biết đến là người tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và chơi quần vợt thường xuyên. Ông cũng là một nhà sưu tập nghệ thuật và xây dựng bảo tàng nghệ thuật Fondation Louis Vuitton ở Bois de Boulogne, Paris năm 2014. Đây là bảo tàng tư nhân hoàng tráng nhất Pháp do Frank Gehry thiết kế, nhằm mục đích lưu giữ bộ sưu tập của LVMH cũng như của Arnault.
Theo Bloomberg/Ngoisao.net
* Nguồn: https://ngoisao.vnexpress.net/chan-dung-ty-phu-soan-ngoi-giau-nhat-the-gioi-cua-elon-musk-4547939.html