Thói quen tắm onsen của người Nhật, dùng vòi xịt ở châu Á hay ăn sữa chua mặn của người Ấn Độ đều được du khách đánh giá cao.
Người Nhật tắm onsen để khỏe mạnh
Người Nhật có tuổi thọ trung bình cao và sống khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những điều giúp tăng tuổi thọ của người Nhật là thói quen tắm onsen. Nhật Bản có nhiều suối nước nóng tự nhiên, nhiều khách sạn và spa đều trang bị bồn tắm onsen để phục vụ du khách. Nước ấm giúp tuần hoàn máu, các dưỡng chất từ suối nước nóng cũng rất có lợi cho sức khỏe.
Người dân châu Á không đi dép vào nhà
Ở hầu hết các quốc gia châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam... thậm chí một số nước châu Âu như Hà Lan, thói quen để dép ngoài cửa khá phổ biến. Điều này giúp hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn vào nhà, ngăn ngừa nhiễm bệnh cho trẻ nhỏ, người già và vật nuôi. Tủ đựng giày thường được đặt ngoài cửa, khi vào nhà, người ta thay dép đi trong nhà.
Ấn Độ thường ăn sữa chua không hoặc sữa chua mặn
Ăn sữa chua với đường hoặc trái cây là thói quen phổ biến ở nhiều quốc gia, tuy nhiên, đây không phải là cách ăn có lợi nhất cho sức khỏe. Ở Ấn Độ và nhiều nước Nam Á khác, sữa chua được biến thành món raita, gồm sữa chua đánh mịn, pha loãng với nước và thêm gia vị mặn. Món ăn này cũng có thể cho thêm dưa chuột, cà chua và hành tây thái nhỏ hay thêm bột chiên để thành món boondi. Sữa chua nguyên chất hoặc sữa chua Hy Lạp cũng tốt hơn sữa chua có đường.
Người Italy thích tụ tập nhiều thế hệ
Ở nhiều quốc gia, việc tụ họp thường phân chia theo tuổi tác hay giới tính như những bữa tiệc dành cho thanh niên, người già, hoặc trẻ nhỏ. Nếu tụ tập nhiều thế hệ, chỗ ngồi cũng được phân biệt rõ ràng để xác định thứ bậc. Tuy nhiên, người Italy lại không câu nệ chuyện này. Trong văn hóa Italy, các bữa tiệc và lễ kỷ niệm mang tính đa thế hệ, mọi người tự do giao lưu, hòa mình với nhau, không phân biệt.
Người châu Á dọn nhà cuối năm
Mọi người thường chỉ dọn dẹp bàn làm việc, phòng hoặc nhà khi bừa bộn. Nhưng ở Nhật, một tập tục có tên là Osouji được áp dụng hàng năm. Người dân thường dọn sạch nhà cửa để đón năm mới. Phong tục này cũng có ở nhiều quốc gia châu Á. Ở Ấn Độ, lễ hội này có tên Diwali, người dân dọn sạch những vật dụng không cần thiết và dùng để quyên góp. Nhà cửa sẽ được quét dọn sạch sẽ với ý nghĩa "xua đuổi" những điều không may mắn trong năm cũ, đón chào năm mới.
Người Đan Mạch và Na Uy thích xây nhà ấm cúng
Người Đan Mạch và Na Uy thường xây nhà theo phong cách ấm cúng, gọi là Hygge (phát âm là hoo-ga). Họ thường có ý tưởng tạo ra một ngôi nhà thoải mái, nguyên liệu mộc mạc, giản dị, có những góc nhỏ để tận hưởng cuộc sống, thay vì làm những căn hộ sang trọng và tiện nghi như những nơi khác. Hygge được xem là một trong những lý do khiến chất lượng cuộc sống của người dân Bắc Âu nói chung cao hơn những khu vực khác.
Người châu Á thích dùng vòi xịt
Khách du lịch phương Tây tới một số quốc gia châu Á thường sẽ ngạc nhiên khi thấy vòi xịt. Tuy nhiên, dụng cụ này lại phổ biến ở hầu hết các nhà vệ sinh ở châu lục này. Các nhà khoa học chứng minh rằng, việc dùng vòi xịt cũng tốt cho sức khỏe hơn là dùng giấy vệ sinh. Sau khi dùng vòi xịt, người ta dùng giấy để lau khô nhưng cách này cũng ít tốn giấy hơn, giúp bảo vệ môi trường.
Người Trung Đông ăn ít vào bữa trưa
Bữa trưa quá no khiến cơ thể nặng nề, uể oải, ảnh hưởng tới sự tập trung làm việc vào buổi chiều. Người Trung Đông thường chỉ ăn trưa nhẹ nhàng với thịt hun khói, các loại đậu, bánh mì dẹt nguyên cám, salad. Với nhiệt độ cao ở các quốc gia này, bữa trưa nhẹ nhàng, nhiều rau, thêm một ly cà phê sau khi ăn khiến cơ thể sảng khoái và tỉnh táo hơn.
Theo Brightside/Ngoisao.net
* Nguồn: https://ngoisao.vnexpress.net/8-phong-tuc-dang-hoc-tap-tren-the-gioi-4450346.html